Phát triển năng lực quốc gia ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ
00:12 24/12/2005: Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn và Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân đã cử cán bộ tham gia khóa huấn luyện cán bộ đào tạo về áp dụng các yêu cầu và hướng dẫn quốc tế vào việc phát triển năng lực quốc gia ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ, do Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tổ chức.

Trong 5 ngày (17-21/12/2005), tại Tehran (Iran), 30 đại biểu đến từ 20 quốc gia (trong đó có 2 đại biểu Việt Nam) đã được huấn luyện các nội dung lý thuyết và thực hành liên quan đến việc phát triển năng lực quốc gia ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ, bao gồm

- Các bài học kinh nghiệm về ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ ở một số nước;

- Các dạng thức bị chiếu xạ, ảnh hưởng và các phương pháp bảo vệ;

- Vai trò của IAEA trong sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp;

- Hiểm họa sự cố bức xạ, hạt nhân và các hậu quả của chúng;

- Phương pháp luận cơ bản về sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp, phân loại mức độ nguy hiểm, lập kế hoạch phân vùng, các mức và trách nhiệm can thiệp, kế hoạch tổng hợp…;

- Các yêu cầu quốc tế (GS-R-2) và hướng dẫn phát triển năng lực quốc gia ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ nói chung và ở các cơ sở có mức độ nguy hiểm loại I, II và III;

- Phát triển năng lực tối thiểu trên cơ sở năng lực hiện có một quốc gia, để ứng phó khẩn cấp;

- Cơ cấu tổ chức ứng phó;

- Kế hoạch hành động mẫu cho một quốc gia;

- Các bài thực hành.

Các đại biểu đã được giới thiệu nội dung và cung cấp hai tài liệu của IAEA

1. Các tiêu chuẩn an toàn: Sẵn sàng và ứng phó khẩn cấp sự cố hạt nhân hoặc bức xạ (Safety Standards: Preparedness and Response for a Nuclear or Radiological Emergency), No. GS-R-2, IAEA, 11/2002;

2. Phương pháp triển khai tổ chức ứng phó khẩn cấp sự cố hạt nhân hoặc bức xạ (Method for Developing Arrangements for a Response to a Nuclear or Radiological Emergency), EPR – Method 2003, IAEA, 10/2003.

Các bài học kinh nghiệm về ứng phó khẩn cấp sự cố bức xạ ở một số nước cho thấy rằng, hiểm họa sự cố bức xạ, hạt nhân có thể xảy ra ở tất cả các nước, có thể xảy ra rất bất ngờ và hậu quả của chúng có thể là rất nghiêm trọng.

Việc Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm - Cứu nạn và Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân cử cán bộ tham gia khóa huấn luyện thể hiện quyết tâm của hai cơ quan này trong việc phối hợp hành động, để những bài học tương tự như ở Brazil (năm 1987, 4 người chết), Salvador (năm 1989, 1 người chết), Thái Lan (năm 2000, 3 người chết)… không xảy ra ở Việt Nam.

Theo khuyến cáo của IAEA, một kế hoạch ứng phó khẩn cấp tối thiểu hoàn toàn có thể được xây dựng trên cơ sở năng lực hiện có của quốc gia, không đòi hỏi đầu tư tốn kém. Vấn đề là cần có sự quan tâm chỉ đạo ở tầm quốc gia, sự phối hợp của các cơ quan có liên quan và những cán bộ có năng lực.

Ghi chú: Bạn đọc quan tâm có thể nhấn vào file đính kèm dưới đây để xem video clip về việc thu hồi nguồn vô chủ ở Giorgia, 1/2002. Các đại biểu tham dự khóa huấn luyện được giải thích tình huống về việc hai người dân vào điều trị ở bệnh viện do đã mang trên lưng một vật nặng khoảng 2 kg (xem phần cuối của clip). Các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm phóng xạ, đã báo với cơ quan ứng phó khẩn cấp quốc gia. Các đại biểu phải đóng vai người lập kế hoạch tìm kiếm, thu hồi nguồn phóng xạ vô chủ nằm khuất sau một tảng đá lớn, trên núi cao. Người hoàn thành bài tập là người đề xuất được kế hoạch gần đúng với thực tế được xem lại sau đó qua video clip. Kế hoạch thu hồi bao gồm 5 bước: (1) Chế tạo thùng chứa; (2) Huấn luyện đội thu hồi; (3) Vận chuyển người và phương tiện đến vị trí tập kết; (4) Đo hoạt độ phóng xạ trên thực địa; (5) Tiến hành thu hồi.

Video clip do IAEA cung cấp.

Lê Hoa

 

Tin bài khác
Online: 6
Số lượt truy cập: 10305576
Lên đầu trang
SSL