Thúc đẩy an toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ: 20 năm Công ước chung
07:07 10/09/2021: Có rất nhiều ứng dụng thực tế và hòa bình của năng lượng hạt nhân, và các quá trình tạo ra các sản phẩm phụ này cần được quản lý một cách an toàn. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ làm tăng mức độ an toàn trên toàn cầu. Trong hai thập kỷ qua, IAEA đã hỗ trợ các nỗ lực để đạt được và duy trì mức độ an toàn cao thông qua Công ước chung về an toàn quản lý nhiên liệu đã sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ (Công ước chung).
Hai mươi năm trước, vào ngày 18 tháng 6 năm 2001, Công ước chung có hiệu lực với 25 quốc gia. Ngày nay, trong số 173 quốc gia thành viên IAEA, 83 quốc gia là thành viên của Công ước. Công-gô là bên tham gia Công ước gần đây nhất.
“Trong khi chúng ta chúc mừng, chúng ta cũng hãy cố gắng tối đa hóa lợi ích của nó bằng cách tăng gấp đôi nỗ lực của chúng ta để làm cho Công ước trở nên phổ biến,” Tổng Giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết trong thông điệp video về Công ước chung.
Công ước chung là gì?
Công ước chung là công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế duy nhất để giải quyết vấn đề an toàn của việc quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng. Nhiên liệu đã qua sử dụng - nhiên liệu hạt nhân đã được loại bỏ khỏi nhà máy điện hạt nhân hoặc lò phản ứng nghiên cứu sau khi chiếu xạ - là hỗn hợp của plutoni, urani và các chất thải phóng xạ phải được quản lý cẩn thận. Ngoài hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân, chất thải phóng xạ được tạo ra từ một loạt các ứng dụng của năng lượng nguyên tử, bao gồm việc sử dụng đồng vị phóng xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, nghiên cứu và nông nghiệp.
“Argentina đã quyết định tham gia Công ước chung, hiểu rằng các chuẩn mực và quy định của công ước sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho hệ thống quốc tế mà còn cho chính xã hội chúng tôi” Andrea Docters, Đầu mối quốc gia của Argentina về Công ước chung cho biết. “Việc tham gia Công ước chung đã mang lại những hành động thúc đẩy và tăng cường như thúc đẩy các thực tiễn tốt, thúc đẩy các dự án phục hồi môi trường của các địa điểm khai thác và chế biến urani, đánh giá và cập nhật Kế hoạch chiến lược, luật pháp và các quy định.”
Các nghĩa vụ theo Công ước chung
Là một phần của cơ chế toàn cầu, các Bên ký kết có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp về pháp luật, quản lý và hành chính để bảo vệ con người và môi trường khỏi tác hại của bức xạ ion hóa trong tất cả các giai đoạn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ. Mỗi quốc gia cam kết duy trì các biện pháp an toàn, chuẩn bị báo cáo quốc gia về các biện pháp đã áp dụng và gửi báo cáo để tất cả các Bên ký kết đánh giá .
“Việc chuẩn bị báo cáo quốc gia góp phần tự đánh giá cơ sở hạ tầng quản lý chất thải phóng xạ quốc gia,” Ủy ban công tác về Công ước chung Ghana cho biết. Kể từ những năm 1960, Ghana đã sử dụng chất phóng xạ trong chăm sóc sức khỏe, công nghiệp và nghiên cứu và có kế hoạch đưa năng lượng hạt nhân vào lưới điện của mình. "Hệ thống được sử dụng trong việc biên soạn báo cáo quốc gia đã cho phép Ghana hài hòa cách tiếp cận để đảm bảo an toàn", Ủy ban cho biết thêm. “Cơ quan quản lý hạt nhân làm việc với cơ quan điều hành chính, Ủy ban năng lượng nguyên tử Ghana và các cơ quan điều hành khác để chuẩn bị các báo cáo, xem xét các báo cáo quốc gia của các Bên ký kết khác, gửi câu hỏi, trả lời câu hỏi và chuẩn bị cho các cuộc họp đánh giá.”
Các Bên ký kết tiến hành xem xét các báo cáo quốc gia để đánh giá cách mỗi quốc gia đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo Công ước. Quá trình đánh giá tập trung cao nhất trong cuộc họp hai tuần diễn ra ba năm một lần, các Bên ký kết trình bày và thảo luận về các báo cáo của họ. “Công ước chung cung cấp một nơi gặp mặt để xác định và nêu bật các thông lệ quốc tế tốt nhất. Công ước cung cấp một quy trình đánh giá ngang hàng ba năm một lần cho phép các Bên ký kết vừa đánh giá các cơ chế quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã sử dụng của mình, vừa để học hỏi từ các thực tiễn tốt nhất và bài học kinh nghiệm của các quốc gia khác” nhóm Công ước chung của Hoa Kỳ cho biết. Cuộc họp đánh giá tiếp theo sẽ diễn ra vào năm 2022.
Kêu gọi tất cả các nước tham gia Công ước chung
Cuối cùng, việc tham gia bất kỳ công ước nào là một quyết định của mỗi quốc gia. Trong một nghị quyết được thông qua tại Đại hội đồng IAEA năm 2020, tất cả các Quốc gia Thành viên chưa trở thành thành viên của Công ước chung, đặc biệt là các quốc gia có quản lý chất thải phóng xạ hoặc nhiên liệu đã qua sử dụng, được kêu gọi tham gia. Nhóm công tác Công ước chung của Liên bang Nga cho biết: “Sự tham gia tích cực của tất cả các quốc gia thành viên IAEA vào công việc của Công ước chung là cần thiết để tăng cường các cơ chế an toàn quốc gia của mình và tăng cường hỗ trợ về thể chế cho năng lượng hạt nhân và các hoạt động liên quan”.
Trong một video gần đây, ông Grossi tuyên bố “Công ước chung thúc đẩy sự minh bạch và niềm tin của công chúng. Sự tin tưởng này cho phép các Quốc gia Thành viên sử dụng năng lượng hạt nhân và các ứng dụng hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu ”.
TTĐT, theo IAEA
Tin bài khác
Online: 17
Số lượt truy cập: 10304718
Lên đầu trang
SSL