Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân: tình hình thực hiện và hướng triển khai thời gian tới
16:04 26/10/2020: Trong 3 ngày (14-16/10/2020) Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc đã được tổ chức tại Ninh Bình. Nhiều báo cáo chất lượng thuộc các lĩnh vực khác nhau đã được báo cáo tại Hội nghị. Trang thông tin điện tử Cục An toàn bức xạ và hạt nhân xin được giới thiệu tới bạn đọc Báo cáo tóm tắt một số báo cáo tại Hội nghị. Trân trọng kính báo.
DIỄN TẬP ỨNG PHÓ SỰ CỐ BỨC XẠ VÀ HẠT NHÂN: TÌNH HÌNH THỰC HIỆN VÀ HƯỚNG TRIỂN KHAI THỜI GIAN TỚI
 
DƯƠNG HỒNG NHẬT
Trung tâm HTKT An toàn bức xạ hạt nhân và ứng phó sự cố
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân
Email: dhnhat@most.gov.vn
 
Trong công tác chuẩn bị ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, hoạt động diễn tập đóng vai trò quan trọng để nâng cao năng lực ứng phó sự cố, bảo đảm các tổ chức, cá nhân có liên quan sẵn sàng tham gia ứng phó, kế hoạch ứng phó sự cố được triển khai kịp thời, hệ thống ứng phó vận hành đồng bộ, ứng phó hiệu quả, giảm thiểu hậu quả của sự cố có thể gây ra.
Mục tiêu chính của một cuộc diễn tập ứng phó sự cố có thể bao gồm một hoặc một số mục tiêu như đánh giá tình phù hợp của Kế hoạch ứng phó sự cố và các quy trình liên quan; tạo cơ hội cho việc tổ chức ứng phó trong một tình huống thực tế; kiểm nghiệm những ý tưởng hoặc nội dung mới trong công tác chuẩn bị ứng phó sự cố. Căn cứ vào mục tiêu của diễn tập, việc diễn tập có thể được tổ chức dưới các hình thức khác nhau như luyện tập chuyên đề, bài tập thảo luận xử lý tình huống, diễn tập vận hành cơ chế, diễn tập thời gian thực. Về cơ bản, một cuộc diễn tập quy mô lớn thường bao gồm các bước sau:
- Thành lập Ban tổ chức diễn tập, đề xuất phạm vi, mục tiêu chính của diễn tập; thành lập Tổ biên tập chịu trách nhiệm xây dựng dự thảo kịch bản diễn tập;
- Phối hợp với tổ chức, cá nhân liên quan hoàn thiện dự thảo kịch bản diễn tập;
- Kiểm tra, đánh giá tất cả yếu tố con người, trang thiết bị, tài chính cần thiết để tổ chức diễn tập; hoàn thiện toàn bộ kịch bản diễn tập, chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố hậu cần phục phục vụ diễn tập;
- Tổ chức đào tạo, thực hành, luyện tập trước khi diễn tập, kết hợp song song với việc tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện kịch bản nếu có nội dung phát sinh trong quá trình luyện tập;
- Diễn tập, đánh giá diễn tập và rút kinh nghiệm diễn tập.
Trong những năm gần đây, sau khi Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp tỉnh được phê duyệt, một số địa phương đã tích cực tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh với quy mô khác nhau. Hoạt động diễn tập tại các địa phương đó về cơ bản đã giúp nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân có liên quan về chuẩn bị và ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, nâng cao vai trò của Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, nâng cao năng lực một số tổ chức ứng phó sự cố chính tại địa phương. Hoạt động diễn tập cũng cho thấy còn tồn tại những khó khăn nhất định tại địa phương liên quan tới cơ chế điều hành ứng phó sự cố, mô hình tổ chức ứng phó sự cố, nguồn lực con người và trang thiết bị, nguồn lực tài chính v.v.
Để nâng cao hơn tính hiệu quả của diễn tập ứng phó sự cố, hoạt động diễn tập thời gian tới cần tổ chức thực hiện theo hai hướng như sau:
  • Các địa phương chưa hoặc chưa có kinh nghiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh cần khẩn trương tổ chức diễn tập để nâng cao nhận thức của tổ chức cá nhân liên quan, kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố. Hình thức diễn tập có thể bao gồm luyện tập chuyên đề, thảo luận xử lý tình huống và diễn tập vận hành cơ chế;
  • Các địa phương đã có kinh nghiệm tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn của địa phương và trung ương, tổ chức nghiên cứu, xây dựng kịch bản và thực hiện diễn tập ứng phó sự cố thời gian thực.
                                                                                                                                 TT. Thông tin và Đào tạo
 
Tin bài khác
Online: 10
Số lượt truy cập: 10305909
Lên đầu trang
SSL