Hai quốc gia tham gia các hiệp ước đa phương về an toàn và an ninh hạt nhân
09:09 22/09/2020: Bên lề Đại hội đồng IAEA hôm nay, Angola và Côte d’Ivoire đã trình các văn kiện pháp lý đồng ý tham gia các hiệp ước tăng cường an ninh và an toàn hạt nhân trên toàn thế giới.
Angola tham gia Công ước An toàn hạt nhân và Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân, cùng với Bản sửa đổi, và Côte d'Ivoire tham gia Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân và Công ước Hỗ trợ trong trường hợp xảy ra tai nạn hạt nhân hoặc khẩn cấp bức xạ.
Phát biểu tại sự kiện này, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi cho biết, việc tuân thủ toàn diện các hiệp ước này có ý nghĩa rất quan trọng.
Angola tham gia một hiệp ước về an toàn hạt nhân, một hiệp ước về an ninh hạt nhân và bản sửa đổi
Đại sứ của Côte d'Ivoire tại Áo, Croatia và Slovenia và Đại diện thường trực tại các Tổ chức quốc tế tại Viên, đã trình văn kiện gia nhập Công ước An toàn hạt nhân và văn kiện gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) và phê chuẩn Bản sửa đổi.
Đại sứ Coelho cho biết: “Với sự kiện này, Angola đã củng cố cam kết sử dụng công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình. Thật tốt cho chúng tôi khi tận dụng những cơ hội mà IAEA mang lại cho đất nước chúng tôi và các nước thành viên khác."
Ông Grossi nói: “Khoa học và công nghệ hạt nhân có rất nhiều đóng góp vào sự phát triển của Angola. Với những văn kiện này, các bạn sẽ đi trên nền đất an toàn hơn. "
Công ước An toàn hạt nhân, được thông qua năm 1994, cam kết các Bên tham gia vận hành các nhà máy điện hạt nhân dân sự trên đất liền duy trì mức độ an toàn cao bằng cách thiết lập các nguyên tắc an toàn cơ bản do các Bên tham gia đăng ký. Công ước bắt buộc các Bên tham gia gửi báo cáo về việc thực hiện các nghĩa vụ của mình để “đánh giá ngang hàng” tại các cuộc họp được tổ chức tại Trụ sở của IAEA. Sau khi Angola gia nhập, Công ước hiện có 89 bên tham gia.
Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM), sau khi Angola tham gia,  hiện có 162 Bên tham gia, 125 trong số đó, bao gồm cả Angola, cũng là thành viên của Bản sửa đổi. CPPNM tập trung vào việc bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân được sử dụng cho mục đích hòa bình trong quá trình vận chuyển quốc tế. Năm 2005, các quốc gia thành viên của Công ước đã thông qua Bản sửa đổi đối với CPPNM để mở rộng phạm vi bao gồm các yêu cầu bảo vệ thực thể đối với các cơ sở hạt nhân và vật liệu hạt nhân trong sử dụng, lưu trữ và vận chuyển trong nước. Cùng với việc mở rộng các hành vi vi phạm hiện có được xác định trong CPPNM và đưa ra các vi phạm mới, Bản sửa đổi có hiệu lực vào năm 2016 cũng mang lại sự hợp tác mở rộng và chia sẻ thông tin giữa các Quốc gia để xác định vị trí và thu hồi vật liệu bị đánh cắp và trong trường hợp phá hoại.
Côte d’Ivoire tham gia các hiệp ước về hỗ trợ và thông báo sớm về tai nạn hạt nhân
Đại sứ của Côte d'Ivoire tại Áo và một số nước trong khu vực và Đại diện thường trực tại Liên hợp quốc tại Viên, Roger Albéric Kacou, đã trình văn kiện phê chuẩn Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân và Công ước Hỗ trợ trong trường hợp tai nạn hạt nhân hoặc khẩn cấp bức xạ.
Công ước Thông báo sớm về tai nạn hạt nhân, được thông qua năm 1986 sau sự cố nhà máy hạt nhân Chernobyl, tăng cường ứng phó quốc tế đối với các tai nạn hạt nhân bằng cách cung cấp một hệ thống thông báo để trao đổi thông tin nhanh nhằm giảm thiểu hậu quả phóng xạ xuyên biên giới. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, Quốc gia nơi xảy ra tai nạn phải nhanh chóng cung cấp cho các Quốc gia bị hoặc có thể bị ảnh hưởng và IAEA các thông tin liên quan. Côte d’Ivoire trở thành Bên tham gia thứ 127 của Công ước.
Công ước Hỗ trợ trong trường hợp tai nạn hạt nhân hoặc tình trạng khẩn cấp bức xạ cung cấp một cơ chế hỗ trợ lẫn nhau nhằm giảm thiểu hậu quả của một tai nạn hạt nhân hoặc trường hợp khẩn cấp bức xạ và để bảo vệ tính mạng, tài sản và môi trường trước các tác động của rò rỉ phóng xạ. Công ước, cũng được thông qua vào năm 1986, đặt ra một khuôn khổ hợp tác quốc tế giữa các Quốc gia thành viên, với IAEA nhằm tạo điều kiện giúp đỡ và hỗ trợ nhanh chóng. Công ước yêu cầu các Quốc gia thông báo cho IAEA về các chuyên gia, thiết bị và vật liệu sẵn có của mình để cung cấp hỗ trợ. Trong trường hợp có yêu cầu, mỗi Quốc gia thành viên quyết định liệu mình có thể cung cấp hỗ trợ theo yêu cầu hay không cũng như phạm vi và điều khoản. Với việc trình văn kiện gia nhập của Côte d’Ivoire, hiện có 122 Bên tham gia Công ước.
TTĐT, theo IAEA
Tin bài khác
Online: 10
Số lượt truy cập: 10302333
Lên đầu trang
SSL