Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực ATBXHN
09:09 27/07/2018: Sáng ngày 26/7/2018, trong khuôn khổ Hội nghị pháp quy hạt nhân toàn quốc lần 3, đã diễn ra Phiên họp toàn thể về chủ đề Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và thông tin tuyên truyền trong lĩnh vực ATBXHN do bà Trần Bích Ngọc, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN; ông Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện NLNTVN và bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Cục trưởng Cục NLNT làm đồng chủ toạ.
Tại phiên họp, có 6 báo cáo được trình bày và thảo luận liên quan đến tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ.
Mở đầu phiên họp, ông Lê Quang Hiệp, Phó Cục trưởng Cục ATBXHN đã giới thiệu tổng quan hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, định hướng kế hoạch 2018-2020, tổng hợp các văn bản đã được ban hành và có hiệu lực thi hành theo các chủ đề nội dung, các điều ước quốc tế trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử mà Việt Nam đã tham gia hoặc đang chuẩn bị để tham gia và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dự kiến thực hiện trong giai đoạn năm 2018 đến 2020.
Báo cáo đánh giá, đến thời điểm hiện nay, có thể nói hệ thống VBQPPL trong lĩnh vực NLNT, đặc biệt về an toàn an ninh, không phổ biến vũ khí hạt nhân, đã tương đối hoàn thiện đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước. Qua thực hiễn quản lý và kết quả rà soát đánh giá của IAEA cho thấy Luật NLNT đã bộc lộ một số bất cập hoặc chưa đáp ứng được với thông lệ quốc tế và cần được sửa đổi. Việc ban hành mới một số luật liên quan đòi hỏi hệ thống VBQPPL trong lĩnh vực NLNT cần được sửa đổi bổ sung để đảm bảo thống nhất của hệ thống pháp luật quốc gia
Tiếp theo nội dung về sửa đổi Luật NLNT, ông Đinh Ngọc Quang, Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách đã trình bày chi tiết hơn tại Hội nghị báo cáo về nội dung này với 3 phần chính: mục tiêu và kế hoạch sửa đổi Luật NLNT; đề xuất nội dung sửa đổi Luật NLNT và một số vấn đề cần trao đổi.
Một nội dung nhận được rất nhiều quan tâm của các đại biểu là các các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế. Qua 2 báo cáo của Cục ATBXHN về Các quy định bảo đảm an toàn bức xạ trong lĩnh vực y tế, sửa đổi Thông tư liên tịch số 13 về đảm bảo ATBX trong y tế và Hệ thống VBQPPL về kiểm định thiết bị bức xạ trong y tế và hiệu chuẩn thiết bị ghi đo bức xạ, phiên họp cũng dành thời gian thảo luận nhiều hơn về vấn đề này.
Liên quan đến lò phản ứng nghiên cứu mới, phiên họp đã được nghe báo cáo về đề xuất kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quản lý an toàn lò phản ứng nghiên cứu mới cho các giai đoạn: xem xét phê duyệt địa điểm, phê duyệt dự án (báo cáo nghiên cứu khả thi) và cấp phép xây dựng. Các đề xuất này được nghiên cứu căn cứ các quy định pháp luật của Việt Nam và trên cơ sở nghiên cứu tiêu chuẩn an toàn lò phản ứng nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), cũng như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Liên bang Nga.
Những điểm chính của Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp quốc gia và một số hoạt động cần sớm triển khai thời gian tới cũng được báo cáo tại phiên họp. Kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 16/6/2017. Báo cáo cũng đề xuất một số hoạt động bao gồm: tổ chức xây dựng Quy chế phối hợp và quy trình tác nghiệp của Bộ Khoa học và Công nghệ trong ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân; thiết lập và duy trì hoạt động hệ thống tiếp nhận thông tin 24/7, tăng cường đầu tư cho đơn vị kỹ thuật, xây dựng và duy trì hệ thống trạm quan trắc; đẩy mạnh việc hợp tác giữa các Bộ, ngành trong lĩnh vực ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân thông qua một số hoạt động cụ thể.
Phiên họp kết thúc với báo cáo về công tác thông tin tuyên truyền về an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ. Báo cáo đã trình bày thực trạng hiện nay và đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATBXHN.
LA, Cục ATBXHN
Tin bài khác
Online: 12
Số lượt truy cập: 10304955
Lên đầu trang
SSL