An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ: thúc đẩy việc gia nhập Công ước quốc tế
16:04 11/12/2017: Một Hội thảo đã được tổ chức mới đây tại Ma-rốc nhằm thúc đẩy Công ước chung về An toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và An toàn quản lý chất thải phóng xạ. Sự kiện kéo dài 3 ngày do Ma-rốc, một Bên Ký kết văn kiện pháp lý quốc tế có hiệu lực từ năm 2001, đã góp phần nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách từ các nước châu Phi chưa tham gia Công ước.
"Chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng cần được quản lý an toàn, an ninh và có trách nhiệm", Khammar Mrabit, Tổng Giám đốc Cơ quan An toàn bức xạ và an ninh hạt nhân Ma-rốc cho biết. "Công ước chung là văn kiện quốc tế duy nhất ràng buộc về mặt pháp lý, tạo cơ sở cho các bên tham gia đóng góp vào việc đạt được và duy trì mức độ an toàn cao đối với việc quản lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu đã qua sử dụng trên toàn thế giới".
Ngoài việc đạt được và duy trì mức độ an toàn cao, Công ước nhằm đảm bảo có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả chống lại các mối nguy cơ tiềm ẩn, ngăn ngừa các tai nạn có hậu quả bức xạ và giảm thiểu hậu quả của chúng, khi xảy ra.
Ông Mrabit nói thêm rằng "Đó là vì lợi ích của tất cả các nước tham gia Công ước này, để mỗi người, xã hội và môi trường được bảo vệ khỏi những tác hại của bức xạ ion hóa, hiện tại và trong tương lai."
Được tổ chức cho các quốc gia châu Phi, hội thảo là một phần trong nỗ lực của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhằm khuyến khích việc gia nhập và thực hiện Công ước chung. Ông Peri Lynne Johnson, Cố vấn pháp lý và Giám đốc Văn phòng Pháp chế của IAEA cho biết: "IAEA cung cấp các công cụ và cơ chế khác nhau để hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực này, khi họ quyết định tham gia".
Các đại biểu tham dự từ Burkina Faso, Ai Cập, Mali, Sudan và Uganda đã được nghe các vấn đề khác nhau của Công ước chung: từ lịch sử, các yêu cầu chính, quá trình đánh giá và thành tựu đạt được tới các triển vọng trong tương lai. Các đại biểu cũng trình bày về quan điểm quốc gia và chia sẻ kinh nghiệm về các chính sách và chương trình nhằm quản lý an toàn chất thải phóng xạ và mở rộng ra đối với nhiên liệu đã qua sử dụng (nếu phù hợp) tại nước mình.
Ông Peter Johnston, Giám đốc Phòng An toàn bức xạ, vận chuyển và chất thải của IAEA, nói: "Điểm quan trọng của Công ước này là bao gồm quá trình đánh giá tổng thể, cho phép các Bên tham gia trao đổi và thảo luận các kinh nghiệm trong quản lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và chất thải phóng xạ.”.
Rosemary Byanyima từ Hội đồng Năng lượng nguyên tử Uganda và Bashir Eltayeb thuộc Cơ quan Quản lý bức xạ và hạt nhân Sudan nói, hội thảo đã tạo một cơ hội tốt để tìm hiểu về các thủ tục, lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến Công ước chung.
Cùng với Công ước An toàn hạt nhân, Công ước chung là nền tảng của khuôn khổ pháp lý quốc tế về an toàn hạt nhân. Việc phổ biến hai công ước này là một trong những ưu tiên của IAEA.
Công ước chung được thông qua vào tháng 9 năm 1997 và có hiệu lực vào tháng 6 năm 2001. Tính đến tháng 12 năm 2017, đã có 76 Bên tham gia.
TTTTĐT
Tin bài khác
Online: 6
Số lượt truy cập: 10305521
Lên đầu trang
SSL