Cộng hòa Dân chủ Công-gô kiểm soát dịch cúm gia cầm nhờ sử dụng kỹ thuật Hạt nhân
11:11 14/08/2017: Các nhà khoa học tại Cộng hòa Dân chủ Công-gô (DR Congo) đã xác định được một đợt bùng phát dịch cúm gia cầm mới bằng cách sử dụng kỹ thuật hạt nhân có tính chính xác cao. Các nhà khoa học cho biết nhờ sự phát hiện nhanh, mô tả chính xác đặc tính của loại virus cùng với sự ứng phó của địa phương, dịch bệnh đã được kiểm soát và giới hạn ở khu vực Hồ Albert, gần biên giới Uganda.
Giám đốc Phòng thí nghiệm Thú y Trung ương tại Kinshasa, Curé Georges Tshilenge Mbuyi cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi phát hiện ra biến dạng của chủng cúm H5N8 có khả năng gây bệnh cao tại Cộng hòa Công-gô. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên nhưng cũng may mắn vì phát hiện ra chủng này sớm.” Việc ngăn chặn sớm sự lây lan của virus này là rất quan trọng, ông cho biết thêm: chủng cúm này không những gây nguy hại đến các loài gia cầm, mà còn có thể lây sang người.
Tshilenge Mbuyi và nhóm của mình đã học cách làm thế nào phát hiện ra những virus như vậy và diễn giải kết quả tại các khóa đào tạo mới đây do IAEA và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO) tổ chức.
Họ lần đầu tiên sử dụng kỹ thuật hạt nhân, gọi là kỹ thuật phản ứng chuỗi Polymerase (PCR) để xác định bộ gen Virus. Công nghệ này cho phép xác định chủng virus- bao gồm virus Ebola- trong vòng vài giờ và với độ chính xác cao.
Sau đó, nhóm gửi các mẫu được chuẩn bị đặc biệt đến phòng thí nghiệm tại Đức, một dịch vụ phân loại di truyền giao thầu phụ do IAEA cung cấp cho các quốc gia thành viên. Phòng thí nghiệm của Công-gô sau đó phải diễn giải các kết quả theo trình tự nhận được từ phòng thí nghiệm Đức. Nhờ có các khóa học mà ông Tshilenge Mbuyi có thể hiểu được dữ liệu kiểu chuỗi, đặc điểm loại virus như H5N8, và tìm ra thông tin quan trọng như nguồn gốc và cách thức lây lan của chủng bệnh.
Một khi các nhà khoa học xác nhận sự hiện diện và chủng virus, các cơ quan có thẩm quyền ngay lập tức đưa ra một loạt phương pháp vệ sinh môi trường nhằm khống chế sự bùng phát dịch, bao gồm việc phân loại tất cả các loài chim hoang dã và gia cầm dọc hồ. Ông Tshilenge Mbuyi cho biết các bác sỹ thú y hiện nay đang lấy mẫu gia cầm từ các ngôi làng trong khu vực rộng lớn nhằm đảm bảo Virus không lan rộng.
Chủng virus tương tự cũng đã được phát hiện tại Uganda, Cameroon, Zimbabwe và Nam Phi, và các chuyên gia lo ngại rằng dịch bệnh có thể lan rộng hơn trong khu vực. Ông Ivancho Nateloski, nhân viên kỹ thuật của Phòng kỹ thuật hạt nhân trong lĩnh vực Thực phẩm và Nông nghiệp liên kết giữa FAO/IAEA cho rằng: “chúng là loài chim hoang dã di cư theo mùa, do đó chúng có thể mang virus từ nơi khác đến.”
Từ đầu những năm 1990, thông qua chương trình hợp tác kỹ thuật và cộng tác với FAO, IAEA đã cung cấp các khóa đào tạo, các chuyến tham quan khoa học, chuyến tham quan chuyên môn cho các cơ quan thú y tại Công-gô và cung cấp các thiết bị, vật liệu và hướng dẫn có liên quan để phát hiện sớm và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh cúm gia cầm.
Khoa học
PCR
Phản ứng chuỗi Polymerase là một kỹ thuật có tính chính xác cao, rất phù hợp trong việc xác định các chủng virus và vi khuẩn. Kỹ thuật này sử dụng chất xúc tác để tạo nhiều bản sao hoặc khuếch đại một đoạn DNA chỉ trong nửa giờ. Các nhà khoa học sau đó phát hiện và quan sát sự lan rộng của DNA này thông qua việc sử dụng đồng vị phóng xạ hoặc bằng cách tính toán phân tử huỳnh quang gắn liền đặc biệt với các gen theo trình tự được tạo ra.
Trình tự Gen
Xác định trình tự Gen là một kỹ thuật hạt nhân, dùng để phân tích cách thức axit nucleic (RNA và DNA) được sắp xếp bên trong các mầm bệnh. Cách sắp xếp gen di truyền mô tả thành phần cấu tạo của vật liệu di truyền, giúp các nhà khoa học dự đoán chức năng gen được phân tích, tác động và tính chất của mầm bệnh. Điều này không chỉ giúp xác định ra dịch bệnh, mà còn giúp phát hiện ra nguồn gốc, sự phát triển và nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh.
Các công cụ và kỹ thuật hạt nhân như vậy thường được sử dụng để phát hiện các bệnh cấp tính và dịch bệnh như Ebola hoặc bệnh tay chân miệng. 
Trung tâm TTĐT-Theo IAEA
Tin bài khác
Online: 12
Số lượt truy cập: 10304300
Lên đầu trang
SSL