Truy tìm nguồn phóng xạ bị đánh cắp, dễ hay khó
00:12 22/09/2014: Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế xã hội trong những năm gần đây gia tăng một cách đáng kể.

Thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng ngày càng tăng trong các ứng dụng công nghiệp, xây dựng, hải quan ... như các thiết bị đo mức, kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu, thăm dò khai thác dầu khí, sản xuất xi măng ... Bên cạnh các lợi ích mang lại, điều cần phải chú ý đó là bảo đảm an toàn cho con người và môi trường. Trách nhiệm đó trước hết phải thuộc về các cá nhân, tổ chức tiến hành công việc bức xạ. Ngoài ra vai trò của các cơ quan quản lý về an toàn bức xạ và hạt nhân và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan cần phải được đẩy mạnh.

             

Theo thống kê về thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (ATBXHN) qua hệ thống RAISVN (phần mềm quản lý khai báo, cấp phép cơ sở bứ xạ, thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ của Việt Nam), hiện tại có khoản gần 1000 cơ sở bức xạ đang tiến hành công việc bức xạ sử dụng thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ với khoảng gần 6000 nguồn phóng xạ theo các nhóm nguồn với các mức độ tiềm tàng nguy hiểm khác nhau.

 

Các nguồn phóng xạ sử dụng trong các thiết bị chụp ảnh phóng xạ, kiểm tra đánh giá không phá hủy tại các công trình xây dựng, kiểm tra chất lượng các mối hàn… là nguồn phóng xạ có hoạt độ cao, được dùng trong các thiết bị di động và được các cơ sở mang đi chiếu chụp tại hiện trường. Đây chính là nhóm nguồn có tiềm ẩn nguy cơ cao mất an ninh, an toàn và có thể gây ảnh hưởng đến xã hội. Hiện tại, trong cả nước có khoản 60 cơ sở được cấp giấy phép chụp ảnh phóng xạ với khoảng gần 1000 nguồn phóng xạ (bảo gồm cả nguồn đang sử dụng di động hoặc lưu giữ tại các kho nguồn tại cơ sở). Việc bảo đảm an ninh, an toàn đối với nhóm nguồn này cần phải được quan tâm đúng mức.

 

Tại Hội nghị thượng đỉnh về An ninh hạt nhân tại Seoul, Hàn Quốc năm 2012, Hàn Quốc, Việt Nam và IAEA đã thống nhất xem xét triển khai dự án thí điểm thiết lập Hệ thống định vị nguồn phóng xạ (RADLOT) tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ, hệ thống của Hàn Quốc trong việc kiểm soát an ninh nguồn phóng xạ đối với hoạt động chụp ảnh phóng xạ NDT.

 

Ngày 26/02/2014, Việt Nam, Hàn Quốc và IAEA đã ký Ý định thư tại Viên, Cộng hòa Áo chính thức để triển khai dự án RADLOT thí điểm tại Việt Nam. Tháng 7/2014, được sự cho phép của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục ATBXHN đã tiến hành trao đổi kỹ thuật với đối tác của Hàn Quốc và các chuyên gia của IAEA để làm rõ các khía cạnh kỹ thuật và hoàn thiện kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Dự án đang được các cấp có thẩm quyền của các bên xem xét để cho phép thực hiện năm 2015. Nếu được thực hiện, dự án sẽ tăng cường được cơ chế kiểm soát an ninh, an toàn đối với công tác quản lý các nguồn phóng xạ dùng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp tại Việt Nam.

 

Hệ thống RADLOT (Radiation Source Location Tracking System) là một hệ thống cho phép giám sát theo thời gian thực những máy chụp ảnh phóng xạ NDT sử dụng nguồn phóng xạ. Hệ thống RADLOT có thể xác định vị trí và hành trình di chuyển các nguồn phóng xạ theo thời gian thực dựa trên các thông tin được định vị thu nhận từ tín hiệu vệ tinh (GPS) và mạng lưới viễn thông di động. Thông qua việc kiểm soát này cho phép cơ quan quản lý và và các đơn vị sử dụng phản ứng tức thì tới các hành động tiếp cận trái phép, trộm hoặt mất cắp, giúp tăng cường an toàn và an ninh đối với nguồn phóng xạ.

 

Hệ thống bao gồm:

-       Các thiết bị đầu cuối thu phát sóng di động gắn trên các máy chiếu xạ;

-       Hệ thống quản lý trung tâm và mạng lưới viễn thông.

 

Thông qua hệ thống quản lý trung tâm, cơ quan quản lý có thể theo dõi vị trí và hành trình của tất cả các máy chiếu xạ đã được gắn thiết bị đầu cuối, các công ty cũng có thể theo dõi hành trình và vị trí máy chiếu xạ của đơn vị mình thông qua hệ thống web kết nối với hệ thống máy chủ đặt tại Cục ATBXHN.

 

Hình 1 mô tả chung về Hệ thống RADLOT, trong đó:

1 – Thiết bị đầu cuối được gắn vào các máy chiếu xạ trong hoạt động chụp ảnh NDT.

2 – Giao thức truyền và nhận thông tin về vị trí của thiết bị đầu cuối thông qua mạng lưới viễn thông.

3 – Cơ sở hạ tầng kết nối giữa nhà cung cấp viễn thông và máy chủ.

4 – Hệ thóng máy chủ quản lý theo dõi vị trí của các thiết bị đầu cuối.

 

           

Thiết nghĩ “nếu” dự án RADLOT đã được triển khai tại Việt Nam, những sự việc mất nguồn phóng xạ như sự cố Công ty TNHH Apave Châu Á - Thái Bình Dương ngày 12-9-2014 sẽ thật dễ dàng để phát hiện và thu giữ ngay tại thời điểm đó.

 

Cục ATBXHN

Online: 7
Số lượt truy cập: 10303962
Lên đầu trang
SSL