Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ, hạt nhân: Chặng đường 10 năm
00:12 07/10/2005: 10 năm là một chặng đường chưa dài đối với hoạt động kiểm soát và an toàn bức xạ, hạt nhân (KS&AT BXHN). Tuy nhiên, trong thời gian đó, Ban An toàn bức xạ và hạt nhân, nay là Cục KS&AT BXHN đã đạt được những thành tựu đáng kể như: bước đầu hình thành khuôn khổ pháp lý, kiện toàn bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ, tăng cường hợp tác quốc tế… trong lĩnh vực KS&AT BXHN. Hiện nay, các việc này đang được tiếp tục hoàn thiện, để trong thời gian tới, công tác quản lý nhà nước về KS&AT BXHN đi vào nề nếp, phát huy hiệu quả cao. Dưới đây là một số ý kiến của TS Đặng Thanh Lương - Phó cục trưởng Cục KS&AT BXHN viết cho tạp chí Hoạt động Khoa học.

Vai trò và đặc điểm của quản lý nhà nước về AT&KS BXHN ở Việt Nam

Bức xạ ion hóa được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội (KT-XH) như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu... Hiệu quả KT-XH mà chúng đem lại không nhỏ và đã được xã hội thừa nhận. Nhiều kỹ thuật bức xạ, hạt nhân là không thể thay thế và đã trở thành những công cụ, phương pháp hữu hiệu trong chẩn đoán và điều trị bệnh, bảo quản lương thực, thực phẩm, thăm dò và khai thác tài nguyên. Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mà chúng đem lại, bức xạ ion hóa còn có thể gây ra những mối nguy hiểm lớn, ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và môi trường. Các mối nguy hiểm và rủi ro bức xạ có đặc thù là chúng có thể gây ra các hiệu ứng sinh học tất định và ngẫu nhiên. Mức độ xảy ra phụ thuộc vào liều bức xạ, nhưng tính trầm trọng của bệnh lý như ung thư, sinh con quái thai lại không phụ thuộc vào giá trị liều nhiễm phải. Chính điều này làm cho vấn đề đảm bảo an toàn bức xạ trở nên phức tạp và nó đòi hỏi phải có sự  quan tâm, quản lý chặt chẽ. Nhiều sự cố, tai nạn bức xạ xảy ra gần đây trên thế giới cho thấy, ở đâu công tác quản lý an toàn bức xạ bị gián đoạn, bị lơi lỏng thì ở đó sự cố bức xạ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chúng có thể gây thiệt hại đến tính mạng con người và tổn thất kinh tế rất lớn dù chỉ là những nguồn  phóng xạ có hoạt độ không lớn, cỡ vài chục Curi (Ci). 

Với yêu cầu quản lý nhà nước về công tác AT&KSBX, ngày 30.7.1994, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 389/TTg về việc thành lập Ban An toàn Bức xạ và Hạt nhân thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ - KH&CN), và ngày 4.3.1995, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã ký Quyết định số 159/QĐ-TCCB  ban hành  "Điều lệ về tổ chức và hoạt động" của Ban ATBX&HN. Do nhu cầu phát triển của xã hội, sau gần 10 năm hoạt động, Ban ATBX&HN đã được nâng cấp thành Cục KS&ATBXHN theo Nghị định 54/2003/NĐ-CP ngày 19.5.2004 của Chính phủ và Quyết định số 1073/2003/QĐ-BKHCN ngày 20.6.2003 của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Điều này lại một lần nữa khẳng định, công tác AT&KSBX ngày càng được quan tâm. Quản lý trong lĩnh vực này ở Việt Nam có nhiều nét đặc thù, trong đó đáng kể  là:

Tính phân tán: Hiện nay việc đăng ký cấp phép cho các cơ sở X-quang y tế (chiếm khoảng 90% số cơ sở bức xạ) đã được phân cấp cho 64 tỉnh và thành phố, nhưng các cơ sở này nằm rải rác khắp nơi, trong đó có rất nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa.  

Tính đa dạng: Theo các số liệu thống kê, ước tính cả nước có khoảng 1.600 cơ sở bức xạ, trên 2.200 máy phát tia X và 1.200 nguồn phóng xạ. Trong đó có 1 lò phản ứng công suất 500 kW, 4 cơ sở chiếu xạ công nghiệp và bán công nghiệp, 18 máy xạ trị ngoài (4 máy gia tốc, 14 nguồn cobalt), 24 cơ sở y học hạt nhân và nhiều nguồn phóng xạ khác đang được dùng trong công nghiệp, thăm dò khai thác khoáng sản, nghiên cứu...

Thiếu tính chuyên nghiệp: Phần lớn các cán bộ làm công tác quản lý an toàn bức xạ ở các địa phương chưa được đào tạo chính quy về lĩnh vực này, đa phần là kiêm nhiệm và đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Thiếu cơ sở vật chất: Hiện nay, hầu hết các sở KH&CN không có đủ thiết bị để tiến hành thẩm định và thanh tra các cơ sở bức xạ. Nhiều cơ sở bức xạ chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị  đo đạc bức xạ cũng như các trang thiết bị bảo hộ lao động. Các cơ sở làm dịch vụ an toàn bức xạ còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Thiếu sự kiểm soát trong nhiều năm: Ngày 3/7/1996, Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ được ban hành. Đây là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất hiện nay trong lĩnh vực bức xạ, hạt nhân. Đại đa số các cơ sở bức xạ là của Nhà nước và đã tồn tại, hoạt động trong nhiều năm nhưng thiếu sự giám sát của cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn bức xạ ion hóa. 

Thiếu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như hướng dẫn về an toàn bức xạ, quản lý chất thải phóng xạ... 

Hội nhập quốc tế: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang diễn ra như hiện nay thì việc quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân cũng chịu những sự ràng buộc quốc tế nhất định nhằm đảm bảo an toàn và an ninh toàn cầu. Sự cố phóng xạ, hạt nhân không còn là của một quốc gia. 

Một số thành tựu đạt được 

Mặc dù Ban ATBX&HN trước đây và Cục KS&ATBXHN hiện nay có số lượng biên chế rất ít (vào thời điểm cao nhất chỉ có 8 người) nhưng cán bộ của Cục đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của những nhiệm vụ được giao. Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và được sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị trong Bộ, các sở KH&CN, Cục đã thực hiện được một số việc đáng kể sau:

Công tác xây dựng văn bản pháp quy: Trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến tháng 7.2003, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chức năng của Bộ cũng như được sự giúp đỡ của Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác, nhiều văn bản pháp quy quan trọng đã được soạn thảo và ban hành. Đó là nền tảng pháp lý cơ bản cho công tác quản lý nhà nước về AT&KS BX. Cụ thể là đã có 15 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành (1 pháp lệnh, 2 nghị định, 2 thông tư  và 10 tiêu chuẩn an toàn bức xạ). Hiện nay, Cục đã soạn thảo xong 5 thông tư và 11 tiêu chuẩn hướng dẫn về an toàn bức xạ cho một số công việc bức xạ cụ thể. Công tác  xây dựng văn bản vẫn được tiếp tục tăng cường. Tuy nhiên, để công tác này đạt hiệu quả cao, Cục cần phải cải tiến cách nghiên cứu, soạn thảo sao cho chất lượng các văn bản phù hợp với tình hình của đất nước và hài hòa với các tiêu chuẩn, chuẩn mực quốc tế. Một nhiệm vụ quan trọng hiện nay của Cục là tham gia vào công tác soạn thảo Luật Năng lượng hạt nhân. 

Công tác đăng ký cấp phép: Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý ATBX&HN là công tác đăng ký cấp phép. Như đã nêu trên, ở Việt Nam, việc sử dụng nguồn bức xạ đã được triển khai rất sớm, nhiều nguồn phóng xạ được nhập về nhưng không được quản lý, thiếu hồ sơ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc quản lý đến từng nguồn phóng xạ, ngay từ khi được thành lập, Ban ATBX&HN đã tiến hành thống kê các nguồn và cơ sở bức xạ, nhưng việc thống kê đó gặp khá nhiều khó khăn. Mãi đến tháng 7.2003, việc thống kê mới được hoàn tất ở 56 tỉnh và thành phố. Đây là một thành tích lớn, đánh dấu bước ngoặt trong công tác quản lý và kiểm soát các cơ sở bức xạ, các nguồn bức xạ trong cả nước. Mặc dù việc cấp phép tiến hành còn chậm, nhưng các thiết bị bức xạ đã được kiểm soát và hiện nay Cục đang cố gắng cải tiến thủ tục, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị khi đăng ký cấp phép. Cục đã có kế hoạch đưa công nghệ thông tin vào quản lý, tiến tới sẽ phổ biến phần mềm E-RAIS  cho các sở KH&CN. Khi phần mềm này được áp dụng, công tác quản lý các nguồn và cơ sở bức xạ sẽ được thông suốt từ Trung ương đến địa phương. Nếu đường truyền thông tin của quốc gia đảm bảo và giá cước rẻ thì mọi thông tin đăng ký cấp phép có thể cập nhật từng ngày.

Hoàn thiện cơ cấu tổ chức quản lý nhà nước và đào tạo cán bộ: Việc hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý về AT&KS BXHN hiện nay đang được tăng cường. Hầu hết các sở KH&CN  phải tổ chức lại, nhiều cán bộ trước đây đã được tập huấn về an toàn bức xạ đã chuyển sang cơ quan khác, số cán bộ mới được tuyển về còn thiếu kinh nghiệm. Để đáp ứng nhân lực cho công tác quản lý, Cục đã chủ động và phối hợp với Trường Nghiệp vụ Quản lý KH&CN tổ chức nhiều khóa huấn luyện cho cán bộ của các sở KH&CN. Mặt khác, trong hơn 3 năm qua, Cục đã phối hợp với các sở KH&CN, Bộ Y tế, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Trung tâm Hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh và Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân tổ chức các lớp tập huấn cho gần 2.000 lượt người. Được sự giúp đỡ của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), các giáo trình giảng dạy đã được cập nhật và bổ sung, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đây cũng là một trong những thành tích mà Cục đã cố gắng phấn đấu và đạt được trong thời gian qua. Việc làm này không chỉ có ý nghĩa nâng cao kiến thức về an toàn bức xạ cho các cán bộ quản lý mà còn cho cả các nhân viên phụ trách an toàn tại các cơ sở bức xạ cũng như nâng cao nếp sống văn hóa an toàn cho mọi người, mọi cấp quản lý. 

Hợp tác quốc tế: Hợp tác với IAEA trong việc phát triển cơ sở hạ tầng ATBX&HN, quản lý chất thải phóng xạ có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam. Cục đã phát huy tính chủ động thông qua các dự án quốc tế như Dự án mẫu RAS 9/021, RAS 9/026-27; Dự án vùng RAS 90/018-29; đồng thời đã cử trên 70 lượt cán bộ ra nước ngoài học tập, nhận được rất nhiều thiết bị để phục vụ cho công tác xây dựng hạ tầng cơ sở an toàn bức xạ quốc gia. Thông qua các dự án mẫu, đã trang bị máy đo bức xạ cho 30 sở KH&CN. Mặc dù qua các dự án mẫu này, chúng ta đã đào tạo được một số lượng lớn cán bộ, song phần lớn chỉ tập trung vào cán bộ nghiên cứu của các viện, chưa chú trọng đến cán bộ quản lý của các sở, các cơ quan sử dụng nguồn bức xạ. Gần đây, công tác này đã được điều chỉnh nhằm tăng cường đào tạo cán bộ cho các sở và các cơ sở bức xạ lớn. Trong năm 2003, bằng các công việc thực tiễn, Cục đã cố gắng giúp các quan chức của IAEA hiểu rõ những việc đã làm được và những vấn đề còn tồn tại trong quản lý an toàn bức xạ của Việt Nam. Qua đó, tránh được những bất lợi trong hợp tác quốc tế về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, cụ thể là tránh được việc đưa ra nghị quyết của IAEA, đặt Việt Nam vào danh sách các nước không được hưởng các dự án viện trợ khoa học kỹ thuật có sử dụng nguồn bức xạ.

Gần 10 năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất và lực lượng cán bộ, nhưng bằng sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn bức xạ trong cả nước, bằng sự quan tâm chỉ đạo rất sâu sát của Lãnh đạo Bộ KH&CN và các bộ, ngành có liên quan, Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ đã từng bước đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng. Từ chỗ các nguồn bức xạ không được quản lý, đến nay hầu hết các nguồn bức xạ đã được theo dõi, kiểm soát. Chúng ta đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát an toàn bức xạ trong cả nước. Hệ thống đăng ký và cấp phép cho cơ sở bức xạ và các hoạt động khác có liên quan đến sử dụng bức xạ đã được hình thành. Công tác kiểm soát liều chiếu xạ nghề nghiệp cho nhân viên bức xạ đang được triển khai thực hiện. Việc kiểm soát an toàn bức xạ và đảm bảo chất lượng chiếu xạ y tế đã bắt đầu được quan tâm. Hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về AT&KSBX đã được hình thành từ Trung ương đến địa phương gồm 64 tỉnh thành trong cả nước. Đó là những bước tiến rất căn bản trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh An toàn và Kiểm soát bức xạ.

Một số nhiệm vụ trong thời gian tới      

Tuy đạt được một số thành tựu, nhưng đánh giá tổng quát lại thì công tác AT&KSBX ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều yếu kém và bất cập cả về tổ chức, nhân lực và mức độ triển khai thực hiện. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém và nhanh chóng đưa công tác này vào nề nếp, trong thời gian tới Cục sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Sớm kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý về AT&KS BXHN, nâng cao năng lực của Cục KS&AT BXHN, trợ giúp các sở KH&CN về công tác chuyên môn. 

Phối hợp tổ chức đào tạo nguồn lực cho công tác quản lý an toàn bức xạ, hạt nhân; tăng cường phổ biến, tuyên truyền về các vấn đề có liên quan.

Xây dựng và hoàn thiện bộ khung pháp lý trong lĩnh vực AT&KSBX. Hoàn chỉnh, trình và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đã được soạn thảo nhằm xây dựng hành lang pháp lý đủ để thực thi nhiệm vụ này. 

Phối hợp với các sở KH&CN, các bộ, ngành có liên quan xây dựng và thực hiện chương trình hành động quốc gia về an toàn bức xạ cũng như đảm bảo an ninh cho các cơ sở bức xạ, hạt nhân và sử dụng nguồn  phóng xạ ở Việt Nam.

Chuẩn bị đội ngũ cán bộ đủ năng lực để  triển khai các hoạt động liên quan tới an toàn hạt nhân khi Chính phủ có quyết định về chương trình phát triển điện hạt nhân. 

Cải tiến thủ tục hành chính trong các khâu đăng ký cấp phép; hiện đại hoá công tác quản lý bằng cách áp dụng  công nghệ thông tin.

Tăng cường hợp tác, đối thoại với các bộ, ngành có liên quan; mở rộng hợp tác đa phương và song phương với các tổ chức quốc tế.

Nguồn: Tạp chí Hoạt động Khoa học, số 07.2004

Online: 66
Số lượt truy cập: 10302324
Lên đầu trang
SSL